Suy Nghiệm Lời Chúa
Ở những nơi không cử hành Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên vào đúng Thứ Năm trong Tuần Thứ Sáu của Mùa Phục Sinh như ở Tòa Thánh Rôma, tức không cử hành vào đúng thời điểm 40 ngày sau khi Người Phục Sinh, thì phụng vụ lời Chúa cho Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên sẽ hoàn toàn thay cho phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VII Phục Sinh.
Cho dù Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được hầu hết các giáo phận trên thế giới cử hành vào Chúa Nhật VII Phục Sinh, nhưng chủ đề của phụng vụ Lời Chúa vẫn không gì thay đổi, vẫn là chủ đề "Thày là Sự Sống" của 4 tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng ở khía cạnh Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh như Chúa Nhật VII Phục Sinh.
Phúc Âm (Mathêu 28:16-20; Marco 16:15-20; Luca 24:46-53)
Sự Sống nơi cuộc Hiệp Nhất Thần Linh với Chúa Kitô Thăng Thiên,
ở chỗ luôn có sự hiện diện của Người: "Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Phúc Âm Thánh Mathêu - Năm A);
ở chỗ luôn có Người đồng hành và hỗ trợ: "Các vị đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các vị, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo" (Phúc Âm Thánh Marco - Năm B);
ở chỗ sống với Người bằng một đức tin thuần túyđến độ khi "Người rời khỏi các vị mà lên trời" thì các vị chẳng những không buồn, trái lại còn "trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các vị luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 1:1-11) - sự sống ở chỗ hiệp nhất thần linh càng vươn tới tột đỉnh vào lúc Chúa Giêsu Thăng Thiên, vì cho dù con mắt xác thịt của các tông đồ không còn được nhìn thấy Thày của các vị nữa nhưng nhờ đó mà các vị lại được rửa trong Thánh Thần để được biến đổi nên như Thày mà trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Thày và cho Thày: "Ít ngày nữa các con sẽ được rửa trong Thánh Thần... Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên nhân chứng cho Thày... cho đến tận cùng trái đất".
Bài đọc 2 (Epheso 1:17-23) - sự sống ở chỗ hiệp nhất thần linh với chính Đấng đang ngự bên hữu Cha trên trời và là Đấng trổi vượt trên tất cả mọi đẳng cấp thần trời: "Chúa khiến mọi sự qui phục dưới chân Người, và tôn Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể của Người, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người".
Biến cố Chúa Kitô Thăng Thiên mang một ý nghĩa sâu xa, như đã chia sẻ ở cuối tuần trước cho Lễ Chúa Kitô Thăng Thiên cử hành vào chính Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh:
"'Đám mây bao phủ Người' đây ám chỉ Thánh Thần, như đã xẩy ra ở biến cố biến hình trên núi của Người nơi sự kiện 'có tiếng phán ra từ đám mây' (Mathêu 17:5; Marco 9:7; Luca 9:35). 'Một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông' phải chăng bao gồm mấy ý nghĩa sau đây:
"1-Các tông đồ không còn được thấy Thày của mình bằng con mắt thể lý nữa, vì Người đã về cùng Cha trong mối hiệp thông thần linh đời đời với Cha trong Thánh Thần;
"2-Sứ vụ trần thế của Người đã hoàn toàn thật sự hoàn tất sau 40 ngày Người sống lại, khoảng thời gian 40 ngày Người hiện diện một cách linh thiêng giữa các vị để 'nói với các vị về triều đại Thiên Chúa' (Tông Vụ 1:3);
"3-Các vị cần phải tiếp tục sứ vụ của Người 'cho đến tận cùng trái đất' (Tông Vụ 1:8)bằng 'quyền năng của Thánh Thần' (Tông Vụ 1:8; xem Luca 24:49)là Đấng Người sẽ từ Cha sai đến và cũng là Đấng đến để làm chứng về Người với họ và qua họ(xem Gioan 15:26-27).
Chưa hết, theo đề tài Hiệp Nhất Thần Linh cho riêng của Tuần VII Phục Sinh này thì biến cố Thăng Thiên của Chúa Kitô còn mang một ý nghĩa khác nữa, bất khả thiếu, liên quan đến biến cố Thánh Linh Hiện Xuống, liên quan đến đời sống của Giáo Hội và liên quan đến việc truyền giáo của Giáo Hội.
Thật vậy, nếu Chúa Kitô không thăng thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người, thì nhân tính của Người, cho dù đã phục sinh nơi thân xác của Người và thân xác của Người đã trở thành thiêng liêng như các thần trời duy linh, vẫn chưa đạt đến tột đỉnh hiệp thông thần linh Cha.
Thật ra, ngay từ giây phút "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) trong cung lòng trinh nguyên của mẹ mình là Trinh Nữ Nazarét Maria trong biến cố Truyền Tin, mầu nhiệm nhân tính của Người và thiên tính của Người đã trở nên một nơi mầu nhiệm Ngôi Hiệp, có nghĩa là Người là một Ngôi Vị có hai bản tính, bản tính Thiên Chúa - thiên tính, và bản tính nhân loại - nhân tính.
Thế nhưng, trong thời gian, nhân tính trở thành phương tiện hay đường lối hoặc dấu chỉ với tính cách bí tích của thiên tính, hay nói cách khác hoặc nói ngược lại, thiên tính tỏ mình ra và thông mình ra nơi nhân tính và qua nhân tính của Người, một cách càng ngày càng trọn vẹn, nhất là ở mầu nhiệm Vượt Qua.
Tuy nhiên, cho dù thân xác của Chúa Kitô có phục sinh và hoàn toàn trở nên thiêng liêng như các thần trời chăng nữa, tự mình vẫn chưa có thể ở trong các môn đệ của Người và "ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mathêu 28:20), và vì thế vẫn không thể nào xẩy ra tình trạng hay thực trạng hiệp thông thần linh như Người mong muốn đó là "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha... như Chúng Ta là một. Con sống trong họ, Cha sống trong Con để sự hiệp nhất của họ được trọn vẹn" (Gioan 17:21-23). Nếu Chúa Kitô không thăng thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người thì Người không thể "sống trong" chúng ta và chúng ta không thể "lưu lại - remain - trong Người" hay "sống trong - live in - Người và Người sống trong" chúng ta như cành nho liên hợp với thân nho để trổ sinh muôn vàn hoa trái (xem Gioan 15:4-7).
Đó là lý do, khi hiện ra với riêng người nữ đang tìm kiếm xác của mình ngoài mộ vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã nói với nàng là người đang tính chạm đến Người bấy giờ rằng: "Đừng đụng đến Ta, vì ta chưa về cùng Cha" (Gioan 20:17), và Người mới chỉ có thể "mở trí cho các vị hiểu lời Thánh Kinh" (Luca 24:45), thậm chí có thể thông Thánh Thần của Người cho các tông đồ vào buổi tối cùng ngày khi Người hiện ra với các vị lần đầu tiên: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh..." (Gioan 20:22), nhưng vẫn chưa có khả năng sai Thánh Thần từ Cha xuống trên các vị như Người hứa... cho đến khi Người thăng thiên về cùng Cha...
Biến cố Thăng Thiên của Chúa Kitô quả thực cho chúng ta thấy chung nhân tính của Người, cũng là của chúng ta đã được Người mặc lấy khi Nhập Thể để Vượt Qua, và riêng thân xác của Người, không phải chỉ được biến đổi thành thiêng liêng sáng láng tốt đẹp sau khi Người sống lại từ cõi chết, mà còn được hoàn toàn hiệp thông thần linh với Cha trên thiên đàng, trong cõi vĩnh hằng, một nhân tính sẽ trở thành một Tân Thành Thánh Giêrusalem từ trời ở nơi Thiên Chúa mà xuống (xem khải Huyền 21:2,10), một Tân Giêrusalem chẳng những có 12 cửa vào ám chỉ 12 chi tộc Do Thái (xem Khải Huyền 21:13-14) là giòng dõi theo huyết thống về phần xác của Chúa Kitô, mà còn có 12 bức tường bằng đá tông đồ ám chỉ Giáo Hội Chúa Kitô bao gồm toàn thể nhân loại, một Tân Giêrusalem vĩnh viễn trở thành nơi Thiên Chúa ở giữa loài người - Emmanuel (xem Khải Huyền 21:3; Gioan 1:14))!